Sabeco sẽ sớm “xuất ngoại” bia 333 và Saigon
Sabeco (SAB) đang tăng xuất khẩu để cải thiện lợi nhuận, đi ngược với chủ trương năm ngoái sẽ gia tăng thương hiệu tại thị trường nội địa – nơi khách du lịch ngoại quốc rất nhiều và sẽ dần “xuất ngoại” thương hiệu gián tiếp qua đối tượng này.
Năm 2020, ngành bia nói chung và doanh nghiệp nói riêng chịu tác động kép bởi Nghị định 100 cũng như dịch COVID-19. Mặc dù vậy, với sự chuyển biến tập trung tăng trưởng kênh tiêu thụ phân phối mua về nhà (off-premise), đặc biệt là gia tăng danh mục sản phẩm xuất khẩu sang nước ngoài, Sabeco (SAB) đang cho thấy nỗ lực thoát khỏi gọng kìm, ghi nhận bởi Chứng khoán Phú Hưng (PHS).
Tiêu thụ bia nửa đầu năm giảm hơn 17% và sẽ còn kéo dài đến cuối năm
Theo Tổng cục thống kê, sản lượng sản xuất bia trong 6 tháng đầu năm 2020 ước tính đạt 1.928 triệu lít (giảm 17,4% so với cùng kỳ 2019) và dự báo tình trạng sụt giảm này sẽ kéo dài trong 6 tháng cuối năm do tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Từ đó khiến ngành du lịch và các hoạt động vui chơi, giải trí như karaoke, câu lạc bộ đêm, quán bia,rượu đều bị ảnh hưởng tiêu cực. Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã thay đổi thói quen uống rượu, bia của người dân.
Dự phóng của Statista, giá trị và sản lượng tiêu thụ bia tại Việt Nam trong năm 2020 đều giảm 19% so với 2019, lần lượt đạt 6,3 tỷ USD và 3.742 triệu lít. Trong đó, lượng bia tiêu thụ tại kênh phân phối mua về nhà (off-premise) tăng nhẹ 5% trong khi mức tiêu thụ qua kênh tiêu dùng tại chỗ (on-premise) giảm tới 27%.
Trong năm 2020, xu hướng tiêu thụ nhiều các dòng bia cao cấp sẽ tiếp tục đà tăng trưởng do thu nhập của người tiêu dùng tăng trong vài năm qua. Ngoài ra, thị trường bia nội địa vẫn chịu sự cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp nước ngoài trong việc tranh giành thị phần.
Những nỗ lực thoát khỏi gọng kìm của năm 2020
Những khó khăn trên khiến doanh thu thuần trong quý I/2020 của SAB đạt 4.900 tỷ đồng (giảm 47%). Riêng ngành hàng bia giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 4.351 tỷ đồng do COVID-19 và Nghị định 100 buộc người dân hạn chế sử dụng bia rượu qua kênh tiêu dùng tại chỗ (on-premise), trong khi trước đây họ thường có thói quen tập tụ và uống bia rượu thường xuyên tại các quán ăn hay nhà hàng.
Mặc dù vậy, theo IndexMundi, giá lúa mạch và nhôm trong quý I/2020 lần lượt giảm 6% và 14% so với cùng kỳ, trong khi đó chi phí nguyên vật liệu đầu vào chiếm gần 50% trong cơ cấu chi phí giá vốn của SAB. Do đó, biên lãi gộp của SAB cải thiện đáng kể từ mức 23,5% trong quý I/2019 lên 27,6% trong quý I/2020. Ngoài ra, SAB cũng thực hiện các hợp đồng mua nguyên liệu đầu vào với giá tốt để duy trì biên lợi nhuận trong cả năm.
Đáng chú ý, dịch COVID-19 đã khiến SAB thực hiện hàng loạt thay đổi trong kinh doanh và quản trị. Cụ thể, Công ty đã cố gắng tăng năng suất, cắt giảm một số chi phí hoạt động và đàm phán với chủ cho thuê. Chi phí vận chuyển giảm nhờ giá xăng giảm mạnh. Ngoài ra, các hoạt động tiếp thị, quảng cáo của Công ty cũng bị hạn chế do Nghị định 24 ban hành ngày 24/2/2020 đưa ra các quy định khắt khe hơn trước về quảng cáo rượu bia. Kết quả, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của SAB lần lượt giảm 15% và 19% trong quý đầu năm. Tuy nhiên sự cải thiện trong chi phí vận hành vẫn không bù đắp được mức sụt giảm trong doanh thu, dẫn tới lợi nhuận ròng của SAB giảm 572 tỷ đồng so với cùng kỳ.
SAB cũng tăng khả năng thanh khoản trong mùa dịch bằng việc giảm vốn lưu động, đóng cửa và dừng một phần một số nhà máy bia và buộc hoãn các nhà máy bia mở rộng ở Củ Chi cũng như các khoản đầu tư thiết yếu. Bên cạnh đó, công tác quản trị nhân lực cũng được triển khai phù hợp với chiến lược mới của công ty trong mùa dịch, cụ thể là các nhân viên từ kênh tiêu thụ tại chỗ (on-premise) được điều chuyển sang kênh phân phối mua về (off-premise).
Năm 2020 sẽ xuất khẩu bia 333 và Saigon ra nước ngoài
Ngay khi giãn cách xã hội được dỡ bỏ, ban lãnh đạo SAB cho biết doanh số bán lẻ của Công ty đã tăng trở lại trong tháng 5 và 6 nhờ nền kinh tế chung phục hồi và những chương trình ưu đãi cho nhà bán lẻ, người tiêu dùng. Tuy nhiên, sản lượng tiêu dùng trong năm 2020 vẫn không thể tăng trưởng như năm ngoái bởi sự cạnh tranh khốc liệt từ các hãng nước ngoài, diễn biến phức tạp từ dịch COVID-19 và các quy định mới của Chính phủ khuyến khích người dân hạn chế sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, PHS nhận định.
Theo đó, SAB đang tăng xuất khẩu để cải thiện lợi nhuận, đi ngược với chủ trương năm ngoái sẽ gia tăng thương hiệu tại thị trường nội địa – nơi khách du lịch ngoại quốc rất nhiều và sẽ dần “xuất ngoại” thương hiệu gián tiếp qua đối tượng này.
Hiện tỷ trọng doanh thu xuất khẩu chỉ chiếm 2% trong tổng doanh thu của SAB. Việc gia tăng xuất khẩu có thể bù đắp lại sự sụt giảm doanh thu trong thị trường nội địa. Ban lãnh đạo SAB cho biết sẽ xuất khẩu bia Saigon và 333 sang thị trường nước ngoài.
Trong năm 2020, doanh nghiệp cũng đã tung ra sản phẩm mới và cung cấp một số ưu đãi cho các nhà bán lẻ và người tiêu dùng. Gần đây nhất, SAB tung ra chương trình khuyến mãi cho sản phẩm bia 333 và ra mắt một sản phẩm bia mới là bia Lạc Việt theo công thức của các nghệ nhân Việt, bia dành riêng cho Việt Nam.
Với thị trường trong nước, ban lãnh đạo của SAB cho rằng kênh off-premise sẽ là động lực chính cho tăng trưởng. Ngoài ra, SAB vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện kênh thương mại hiện đại (modern-trade) và Công ty vẫn chưa phát triển kênh thương mại điện tử riêng.
Mặc dù kinh doanh còn kém sắc, cổ phiếu SAB đang trải qua những phiên tăng mạnh bất chấp thị trường chung điều chỉnh. Đà tăng xuất hiện sau thông tin Bộ Công Thương lên chủ trương thoái 36% vốn còn lại tại SAB, hiện thị giá Công ty đang giao dịch tại mức 205.000 đồng/cp.
Tri Túc
* Nguồn: CafeF